Lời mời đám cưới nên viết thế nào cho lịch sự, phải phép? Đây là vấn đề mà cặp đôi nào cũng cần quan tâm. Lời mời cần dùng lời lẽ phù hợp với từng đối tượng khách mời. Hãy cùng tìm hiểu một số mẫu lời mời hay sau đây nhé.
Lời mời đám cưới nên có thông tin gì?
Lời mời cưới thường cần có các thông tin cơ bản sau để đảm bảo khách mời có đầy đủ thông tin:
Tên cô dâu, chú rể: Đây là phần không thể thiếu, giới thiệu hai nhân vật chính của ngày cưới.
Thời gian tổ chức: Thông tin về ngày, giờ diễn ra buổi lễ và tiệc cưới cần được ghi rõ ràng để khách mời sắp xếp thời gian tham dự.
Địa điểm tổ chức: Địa chỉ cụ thể của nơi diễn ra lễ cưới và tiệc mời. Nếu địa điểm khó tìm, có thể thêm sơ đồ hoặc chỉ dẫn.
Thông điệp mời: Một lời mời lịch sự, chân thành thể hiện sự trân trọng đối với khách mời.
Thông tin liên lạc: Số điện thoại của cô dâu, chú rể hoặc người đại diện để khách mời có thể liên hệ khi cần thiết.
Tuy nhiên, tùy vào tính chất mối quan hệ mà bạn có thể thêm hoặc bớt các thông tin không cần thiết để lời mời ngắn gọn mà vẫn giữ được tính chuyên nghiệp và thân mật.
Những lưu ý cần biết khi gửi lời mời đám cưới
Khi gửi lời mời cưới, bạn nên lưu ý một số điều sau đây để thể hiện được sự chu đáo và tôn trọng đối với khách mời:
Gửi lời mời sớm: Lời mời nên được gửi trước từ 4-6 tuần để khách mời có thời gian sắp xếp công việc và lịch trình. Điều này cũng giúp họ có thời gian chuẩn bị quà cưới hoặc các yêu cầu khác.
Chính xác thông tin: Đảm bảo mọi thông tin về thời gian, địa điểm và tên của cô dâu, chú rể được ghi chính xác. Lỗi chính tả hoặc sai địa chỉ có thể gây nhầm lẫn và ảnh hưởng đến sự kiện.
Chọn cách mời phù hợp: Nếu mời người lớn tuổi hoặc người trong gia đình, lời mời nên được gửi trực tiếp để thể hiện sự tôn trọng. Đối với bạn bè hoặc đồng nghiệp, có thể gửi qua bưu điện hoặc mời trực tuyến tùy tình huống.
Nội dung lời mời rõ ràng, trang trọng: Sử dụng ngôn từ lịch sự, rõ ràng trong lời mời để tạo cảm giác trân trọng với khách mời.
Địa chỉ chính xác và chỉ dẫn rõ ràng: Với những địa điểm khó tìm, bạn nên cung cấp bản đồ hoặc chỉ dẫn cụ thể kèm theo lời mời.
Cách viết lời mời đám cưới cho từng đối tượng
Và sau đây là một số mẫu lời mời cưới phù hợp cho từng đối tượng khách mời. Mời bạn tham khảo:
Lời mời đám cưới cho người lớn tuổi
Để thể hiện sự tôn trọng đối với các bậc cao niên, cặp đôi nên thận trọng trong cách thức mời cưới, đặc biệt khi không thể mời trực tiếp.
Thay vì tự mình trực tiếp mời, các bạn trẻ có thể nhờ vả bố mẹ hoặc người thân trong gia đình có địa vị ngang bằng hoặc cao hơn để gửi lời mời. Hành động này không chỉ thể hiện sự lễ phép mà còn giúp người nhận cảm thấy được trân trọng.
Sau khi đã gửi lời mời gián tiếp, bạn nên tiếp tục gọi điện trực tiếp cho người lớn tuổi, sử dụng giọng điệu lễ độ và chân thành để nhấn mạnh tầm quan trọng sự hiện diện của họ tại hôn lễ.
Ví dụ:
“Kính thưa ông (bà), cháu là [Tên của bạn] và người bạn đời của cháu, [Tên bạn đời của bạn]. Chúng cháu xin trân trọng thông báo vào ngày [ngày] tháng [tháng], năm [năm], chúng cháu sẽ tổ chức hôn lễ tại [địa điểm].
Do điều kiện không cho phép, chúng cháu chưa thể trực tiếp mời ông (bà) bằng thiệp, nhưng bố mẹ cháu đã gửi lời mời tới ông (bà) trước đó. Chúng cháu xin kính mời ông (bà) đến tham dự và chia sẻ niềm vui này cùng chúng cháu. Thiệp mời sẽ được cháu gửi đến trong thời gian sớm nhất. Cháu xin chân thành cảm ơn và rất mong được đón tiếp ông (bà) trong ngày trọng đại của chúng cháu”.
Lời mời đám cưới cho dòng họ, người thân trong gia đình
Khi gửi lời mời tới người thân trong gia đình, bạn có thể trực tiếp gửi thiệp cưới tới nhà hoặc nơi làm việc của họ. Nếu có trường hợp đặc biệt không thể gửi trực tiếp, bạn nên dùng những lời lẽ thật tình cảm và chân thành để bày tỏ sự coi trọng và mong muốn họ có mặt trong ngày vui của mình.
Ví dụ:
“Thân mến chị [Tên người nhận],
Chúng em xin trân trọng thông báo vào ngày [ngày] tháng [tháng] năm [năm], lúc 17 giờ, tại nhà hàng Asiana Plaza, chúng em sẽ tổ chức hôn lễ. Chúng em rất mong chị sẽ dành chút thời gian để đến và chia vui cùng gia đình chúng em trong ngày này.
Chúng em biết chị đang có những bận rộn riêng, nhưng chúng em luôn mong đợi sự có mặt của chị tại buổi lễ. Sự hiện diện của chị sẽ là sự ủng hộ tinh thần lớn lao đối với chúng em.
Mong rằng chị sẽ sắp xếp được thời gian để cùng chúng em ghi dấu một mốc quan trọng trong cuộc đời. Chúng em chân thành cảm ơn và rất mong được đón tiếp chị.
Lời mời đám cưới cho đồng nghiệp, bạn bè
Đối với những người bạn thân và đồng nghiệp thân thiết, bạn có thể gửi lời mời cưới trực tiếp hoặc trực tuyến. Nếu có thể, bạn nên tổ chức một buổi gặp mặt nhỏ, có thể là một bữa cà phê hay bữa trưa, để thông báo về hôn lễ và trao thiệp mời.
Ví dụ:
“Chào anh (chị) [Tên người nhận],
Em/Anh xin phép thông báo với anh (chị) rằng hôn lễ của chúng em sẽ được tổ chức vào ngày [ngày] tháng [tháng], năm [năm], tại [địa điểm]. Do những bận rộn riêng, em/anh chưa thể gặp trực tiếp để trao thiệp mời. Nay Em/Anh gửi lời mời đến anh (chị) và hy vọng anh (chị) sẽ sắp xếp được thời gian để đến chia vui cùng chúng em.
Sự hiện diện của anh (chị) không chỉ là niềm vui mà còn là nguồn động viên lớn cho chúng em trong ngày vui này. Rất mong được đón tiếp anh (chị).
Lời mời đám cưới cho bạn bè xã hội
Khi mời bạn bè xã hội đến dự đám cưới, lời mời nên thể hiện sự lịch sự, chân thành và có phần chính thức để phù hợp với bối cảnh và mối quan hệ. Lời mời cần rõ ràng về thông tin thời gian, địa điểm và dạng sự kiện, đồng thời bày tỏ mong muốn được chia sẻ niềm vui ngày trọng đại cùng họ.
Ví dụ:
“Chào [Tên người nhận],
Mình là [Tên bạn]. Mình muốn thông báo với bạn rằng vào ngày [ngày] tháng [tháng] năm [năm], mình và [tên bạn đời] sẽ tổ chức hôn lễ tại [địa điểm]. Do những bận rộn và không thể gặp trực tiếp, nên mình gửi lời mời này qua tin nhắn và rất hy vọng bạn có thể sắp xếp thời gian để đến chia vui cùng chúng mình.
Lễ cưới sẽ bắt đầu lúc [giờ] và mình tin rằng sự có mặt của bạn sẽ làm ngày vui của chúng mình thêm phần ý nghĩa.
Cảm ơn bạn nhiều và mong gặp lại bạn tại đám cưới!”
Tạm kết
Lời mời đám cưới cần viết sao cho thể hiện được sự tôn trọng với người nhận và ngôn từ phải phù hợp với từng đối tượng người nhận. Hy vọng với thông tin trên đây, bạn sẽ hiểu rõ hơn cách viết lời mời cưới phù hợp nhé.
XEM THÊM